Tác phẩm mới - Sách dịch Cổ Duệ từ của Tùng Thiện vương

Ngày đăng: 03/04/2020 | 00:04
Bản dịch Cổ Duệ từ là một công trình dịch thuật công phu, nghiêm túc của dịch giả Hy Nhân - Nguyễn Quang Duy, vừa đảm bảo những yêu cầu về học thuật, vừa đáp ứng những đòi hỏi ngặt nghèo nhưng đầy thú vị của văn chương; vì thế, rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu về từ học của Việt Nam. 
 
“Có thể nói thế này: được gọi là từ nhân gần nghĩa với “nghệ sỹ” hơn nhiều so với được gọi là thi nhân. Ai đi học thì đều làm thơ, đều ít nhiều có kỹ năng làm thơ, nhưng “tác từ”, “điền từ” là chuyện khác, ở đẳng cấp khác”(1). Lập luận đó đứng trên góc độ duy mỹ, để đối lập với lối văn chương, thơ phú cử tử, khuôn sáo. Mặc dù không thể phủ định từ cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt về cách luật từng từ điệu, nhưng thể tài và ngôn ngữ của từ không “nói chí” như thơ, mà hướng đến “nói tình”. Người viết từ phải trải lòng, thấm đẫm với cảm xúc, nhưng vẫn phải biết tiết chế cảm xúc, để mỗi bài từ vừa tình lại vừa nhã, đạt đến “thanh không”(2) như nhà từ học Trương Viêm hướng tới. Đó là chỗ khó của từ.
Chân dung Tùng Thiện vương Miên Thẩm
 
Tùng Thiện vương - Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819 – 1870) là hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông tự là Trọng Uyên, Thận Minh, hiệu Thương Sơn, biệt hiệu Bạch Hào Tử, thụy hiệu Đoan Cung. Ông là một nhà thơ lớn trong thi đàn triều Nguyễn được liệt vào Nguyễn triều Tam Đường, đứng đầu hội thơ Mạc Vân thi xã. Sự nghiệp trước tác của Tùng Thiện vương rất phong phú: thơ có Thương Sơn thi tập (hơn 2.000 bài thơ), văn có Thương Sơn ngoại tập, thi luận có Thương Sơn thi thoại, đã lần lượt được giới thiệu và xuất bản ở trong nước. Về từ, Vương có riêng tập Cổ Duệ từ, là một hiện tượng hiếm thấy trong từ sử Việt Nam. 
 
Trong đối ngoại với nhà Thanh, với tinh thần “bất tốn Trung Hoa”, các vua Nguyễn đương thời thường có chủ trương giới thiệu thành tựu văn chương nước Nam, như việc tặng sứ giả Lao Sùng Quang tập Phong Nhã thống biên, đưa Diệu Liên thi tập của công chúa Mai Am sang giao lưu với văn nhân Trung Quốc… Có thể vì lẽ đó mà ngay sau khi Cổ Duệ từ sáng tác xong cũng đã được gửi theo sứ đoàn nước ta sang Bắc quốc. 
Bìa sách Cổ Duệ từ
 
Cổ Duệ từ đã khởi đầu hành trình dài cùng sứ đoàn triều Nguyễn khoảng những năm 1853 – 1855, dẫn đầu là chánh sứ Phan Huy Vịnh. Điều đáng nói là từ tập được mang sang đất khách vào thời Thanh, triều đại được đánh giá là giai đoạn Trung hưng của từ với sự xuất hiện các từ phái, từ nhân, các nhà nghiên cứu từ học. Giá trị nghệ thuật của Cổ Duệ từ đã được học giả Trung Quốc đánh giá cao: nhà nghiên cứu từ Huống Chu Di dành các lời ngợi khen trong Huệ Phong từ thoại, Lương Sằn Dư thích thú chép lại toàn bộ từ tập. Năm 1934, Cổ Duệ từ xuất hiện trở lại trang trọng trên Từ học quý san, tạp chí chuyên về từ học ở Thượng Hải, với đầy đủ 104 đề mục (115 bài từ), trong khi truyền bản không tìm thấy tại các thư viện tại Việt Nam.
 
Với một nhân duyên lớn, nhà nghiên cứu cổ văn và thư pháp Hy Nhân - Nguyễn Quang Duy, hiện đang là Chủ nhiệm bộ môn thư pháp - Nhân Mỹ học đường, đã được thực mục và có trong tay trọn vẹn Hán bản Cổ Duệ từ 115 bài. Bằng niềm yêu thích và ước muốn giới thiệu một tinh phẩm từ của bậc thi ông nhà Nguyễn đến với độc giả Việt Nam, ông đã đem hiểu biết về cổ học nói chung và từ học nói riêng, cùng kinh nghiệm tự thân thông qua sáng tác thi từ, để thận trọng khảo cứu và dịch thuật.
Bìa mềm sách Cổ Duệ từ - NXB Hội Nhà Văn
 
Hy Nhân cho rằng, bàn riêng về hình thức, từ đã có vị thế độc lập, đã sẵn nhạc điệu và tạo sự cuốn hút. Mượn các hình thức thơ để chuyển dịch sẽ không tránh khỏi rơi rụng, vì vận vị của từ. Bởi vậy, ông bắt tay chuyển dịch Cổ Duệ từ theo hướng nghiên cứu từng từ điệu, nắm chỗ nghiêm ngặt bằng trắc, chỗ có thể linh hoạt, nơi hiệp vận, nơi cú đậu, chú thích điển cố văn học và nhân vật cụ thể được nhắc đến trong nguyên tác, để độc giả hiểu hơn về ý tứ của từng bài; lại cân nhắc từ ngữ cho phù hợp với thời đại, cố gắng dịch sát nhất với phong vận và cách luật của điệu từ. Với thao tác tỷ mỷ, thận trọng và cầu toàn như vậy, ông cũng đã đối chiếu và chỉnh sửa 14 bài dịch từ đã được dịch giả khác công bố trước đây, nhằm thể hiện sát hơn ý tứ của tiền nhân. Ông đã cầu thị đem bản thảo nhờ các bậc thức giả chỉ chính, hướng đến một bản dịch chu toàn nhất. 
Dịch giả Hy Nhân - Nguyễn Quang Duy
Chủ nhiệm Bộ môn Thư pháp - Nhân Mỹ học đường
 
Từ là một thể loại văn học “diễm khoa”, hay nhưng không dễ để đọc, ngay cả đối với bản dịch quốc âm, bởi nó còn khá xa lạ với đa số độc giả Việt Nam. Ý thức điều đó, Hy Nhân đã mời Tiến sỹ Phạm Văn Ánh - Viện Nghiên cứu Văn học, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Nhân Mỹ học đường, viết bài chuyên khảo tổng thuật với nhan đề Một số nét về Cổ Duệ từ của Miên Thẩm ở đầu sách, để giới thiệu khái quát các thông tin cơ bản về từ họcCổ Duệ từ, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với tác phẩm.
 
Bản dịch Cổ Duệ từ là một công trình dịch thuật công phu, nghiêm túc của dịch giả Hy Nhân - Nguyễn Quang Duy, vừa đảm bảo những yêu cầu về học thuật, vừa đáp ứng những đòi hỏi ngặt nghèo nhưng đầy thú vị của văn chương; vì thế, rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu về từ học của Việt Nam. 
 
Sách được xuất bản trên số đăng ký: 372-2020/CXBIPH/25-12HNV của Cục Xuất bản, và quyết định xuất bản số: 55/QĐ-NXBHNV của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, ngày 10/02/2020, với mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) 978-604-9900-88-4, phát hành với bản bìa cứng hạn chế và bản bìa mềm phổ thông bởi Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam.
 
Nhân Mỹ học đường trân trọng giới thiệu đến quý Giảng sư, Quý học viên cùng Quý độc giả gần xa!

Chú thích:
(1) Trần Ngọc Vương, Đinh Thanh Hiếu, Từ - một chủng loại còn ít được biết tới, phebinhvanhoc.com.vn, H 3.2004.
(2) Trương Viêm trong Từ nguyên cho rằng: “Từ cốt ở thanh không, không coi trọng sự chất thực. Thanh không thì cổ nhã cao kỳ, chất thực thì ngưng trệ u tối”, và suy tôn từ của Khương Quỳ là điển hình.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top