Nhân Mỹ học đường - Nơi lan tỏa cái đẹp

Ngày đăng: 25/01/2016 | 00:01
Là một bộ phận của Phòng Chuyên môn – Tổng hợp trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), Nhân Mỹ học đường thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng về chữ Hán, thư pháp chữ Hán và các giá trị văn hóa truyền thống thông qua cứ liệu ngữ văn Hán – Nôm. Trong 10 năm qua, Nhân Mỹ học đường đã bồi dưỡng, đào tạo miễn phí cho 9 khóa học, với 3 chương trình riêng biệt cho khoảng 1.000 học viên về tìm hiểu, thực hành và phát triển những kỹ năng, phục vụ việc duy trì, phát huy giá trị văn học tôn giáo truyền thống qua lớp dạy chữ Hán – Nôm tại các di tích.
 
Với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, thư pháp gia có uy tín nên chất lượng đào tạo đã được khẳng định. Dù tham gia viết thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời gian còn “khiêm tốn”, nhưng uy tín Nhân Mỹ học đường ngày càng được nâng lên qua các kỳ sát hạch.
 
Cụ Lan, 90 tuổi, trú tại Mỹ Đình mới đăng ký học thư pháp tại Nhân Mỹ học đường.
Cụ cho biết, "học chữ" khiến cụ minh mẫn, sáng suốt hơn.
Ghi nhận nỗ lực của Học đường, tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ - Tiến sỹ Bùi Thanh Hà đã khẳng định: “Qua 10 năm hoạt động và phát triển, Nhân Mỹ học đường đã luôn khẳng định được vai trò và những đóng góp của mình đối với việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chủ trương của Học đường là thông qua việc bồi dưỡng, đào tạo để góp phần duy trì, bảo lưu và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dựa trên căn bản cứ liệu ngữ văn Hán Nôm.
 
Cùng với sự nỗ lực học tập và rèn luyện của học viên, Nhân Mỹ học đường ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo dấu ấn đặc biệt trong đời sống xã hội và chính những hoạt động của Nhân Mỹ học đường đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...”.
 
Nội dung phần chữ Hán trọng tâm của khóa học là những phần chữ Hán ứng dụng cần bảo lưu và gìn giữ, như đặc trích kinh điển Nho giáo và Phật giáo; văn phong hành chính phong kiến (chiếu, biểu, sắc, dụ); di văn Hán Nôm tại các di tích (bi, minh, hoành phi, câu đối); các dạng thức văn bản dân gian truyền thống (gia phả, thần phả); các dạng thức văn bản thuộc tín ngưỡng văn hóa truyền thống (khoa nghi, sớ điệp, bài vị)… Phần thư pháp sẽ tập trung vào thực hành các thể thức văn bản nói trên. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức giảng các chuyên đề; tổ chức triển lãm “Hàn Mặc”; khảo tả điền dã định kì cho học viên tới các di tích có di văn Hán Nôm; tổ chức một số hoạt động ngoại khóa…
 
Khởi đầu từ chùa Nhân Mỹ (Thanh Quang Tự), Nhân Mỹ học đường đã mở rộng thêm hai cơ sở đào tạo ở hai ngôi cổ tự là chùa Mễ Trì Thượng và chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nhân Mỹ học đường đào tạo hệ 4 năm cho người chưa biết chữ Hán, hệ 2 năm cho người đã viết thạo. Nhân Mỹ học đường phối hợp với Trường Đại học Hà Nội tổ chức các lớp thư pháp bút cứng cho sinh viên khoa tiếng Trung Quốc…
 
Học viên hội tụ ở đây thuộc nhiều tầng lớp, ngành nghề, lứa tuổi… nhưng đều có “mẫu số chung” là niềm yêu say chữ Hán, nghệ thuật thư pháp và nghe giảng đạo. Trong thời buổi nền kinh tế thị trường, không thiếu những trung tâm mọc lên như nấm, mà ở đó, kiến thức trở thành hàng hóa, người học là một thứ khách hàng và mối quan hệ người dạy, người học mang tính hình thức “tiền trao, cháo múc”, thì Nhân Mỹ học đường lặng lẽ suốt 10 năm qua dạy chữ Hán và thi pháp miễn phí.
 
Vâng, miễn phí. Miễn phí hoàn toàn. Đó là điều tôi và tất cả học viên của Học đường từ ngạc nhiên đến thán phục. Đồng hành, giúp đỡ Trung tâm suốt 10 năm qua là tổ đình chùa Nhân Mỹ và các cơ sở Phật giáo mà Nhân Mỹ học đường đặt làm cơ sở đào tạo giữ ngôi chứng minh, cổ vũ và hoan hỉ chấp thuận bảo trợ hoạt động.
 
Người khởi tâm sáng lập Nhân Mỹ học đường cách đây 10 năm là Cư sĩ Yên Sơn Lê Trung Kiên (Yên Sơn là bút hiệu). Hiện giảng sư Lê Trung Kiên đang công tác tại Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ). Yêu sự nghiệp văn chương Lê Thánh Tông, Cư sĩ Yên Sơn đã gia nhập nhóm “Nhị thập bát tú - 28 cây bút trẻ” và từ năm 2000 cái tên Lê Trung Kiên đã quen thuộc trong giới nghiên cứu Hán Nôm và giới Thư pháp từ đấy. Sự uyên thâm với Hán văn và thư pháp, khiến tôi và hầu hết học viên đều nghĩ thầy Lê Trung Kiên chắc chắn phải được đào tạo bài bản chuyên ngành Hán Nôm. Nhưng thực tế lại không phải vậy.
 
Sinh năm 1979 tại mảnh đất Ý Yên (Nam Ðịnh) -  xứ Sơn Nam Thượng – một vùng đất có truyền thống học hành, thầy Lê Trung Kiên chọn Khoa Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Dù theo ngành ngôn ngữ, nhưng niềm đam mê Hán văn dường như đã ngấm vào từng huyết mạch. Cơ duyên đến con đường chữ Hán của thầy có căn nguyên từ môi trường sống của gia đình mà từ thời thơ bé thầy đã được dung dưỡng.
 
Một buổi thực hành của các học viên Nhân Mỹ học đường.
Là cháu nội của nhà Nho, thầy Kiên đã được tiếp xúc những con chữ viết bằng mực Tàu của ông nội từ thời thơ ấu. Ký ức tuổi thơ của thầy đã gắn bó với chữ Hán Nôm, lúc thì thấy ông nội được vời đi viết chữ trên thượng lương mái nhà cho gia đình làm lễ cất nóc; khi thì nghe lỏm ông nội đàm đạo văn chương cùng bạn văn. Chả biết tự lúc nào, cuốn “Tam tự kinh” đã đến và thầy Kiên hí húi, nguệch ngoạc những nét chữ đầu tiên.
 
Ngoài việc học và truyền thụ chữ Hán, thầy Lê Trung Kiên quan tâm nhiều hơn những bài học giáo huấn về đạo đức, về tình người, về chuẩn mực đối nhân xử thế, về giá trị văn hóa dân tộc qua kho tàng di sản Hán Nôm. Cho nên, không lạ khi thầy Lê Trung Kiên tự học, tự nghiên cứu Hán Nôm như một sự trở về cội nguồn, về với vốn văn hóa dân tộc. Điều này thầy Lê Trung Kiên đã làm xuất sắc mà không phải cháu con nào của các cụ đồ Nho cũng làm được.
 
Nhớ lại ba năm đầu khởi nghiệp, một mình trên “cỗ xe độc mã”, thầy Lê Trung Kiên như “con ong chăm chỉ”, vẫn không nản chí, oải lòng, vẫn một mình “cõng chữ”, vẫn đều đặn mỗi tuần dạy hai buổi; vẫn kiên trì chào mời, đôn đáo, “dụ” các “thượng đế” đến học miễn phí. Kể cả khi chỉ có một thầy, một trò thì giảng sư Lê Trung Kiên vẫn thung dung đứng lớp, vẫn nghiêm túc dày công soạn giáo án cho buổi học, vẫn lên lớp nghiêm chỉnh...
 
Tự tin, tự trọng, kiên nhẫn… chính là những phẩm chất tiềm ẩn trong vị giảng sư trẻ tuổi. Thế nên, từng trải cảnh “nhất sư, nhất đồ”, nhưng thầy Lê Trung Kiên vẫn luôn tự tin khẳng định “Chưa bao giờ tôi lo Nhân Mỹ học đường phải đóng cửa. Bởi vì ngày nào tiếng Việt còn dùng vốn từ Hán Việt, thì chữ Hán Nôm vẫn cần”. Cái sự điềm đạm đến lạ kỳ của thầy đã giúp Nhân Mỹ học đường “vượt qua những chướng duyên”, vững bước trên hành trình hoàn thiện nhân cách và vun bồi trí tuệ. Nhìn cơ ngơi của Nhân Mỹ học đường hôm nay mới thấy sự nhìn xa.
 
Vẫn biết công lao này thuộc về người khởi xướng, nhưng thầy Lê Trung Kiên rất khiêm tốn để nói rằng Nhân Mỹ học đường không thể tồn tại nếu thiếu những tấm lòng hảo tâm. Đó là sự giúp đỡ quan trọng của Thượng tọa trụ trì chùa Nhân Mỹ Thích Thanh Lương, Đại đức trụ trì chùa Mễ Trì Thượng; sự cộng tác tích cực với tinh thần vô úy của các giảng sư…
 
Với thuyết “Nhân duyên sinh” giáo lý nhà Phật, thầy Lê Trung Kiên thâu nhận mọi tấm lòng và nhất là sự thu phục nhân tâm để hội tụ cho Học đường một đội ngũ giảng sư, giảng viên tinh tấn, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, mẫu mực về nhân cách, trong sáng về đạo đức và nhiệt tâm với sự nghiệp hoằng truyền các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống.
 
Cư sĩ Yên Sơn chia sẻ chân thành: “Người ta vẫn nói, kẻ có học thường có tự ái cao và khí khái, khó có thể mời họ làm việc gì nếu họ không muốn. Tuy nhiên, nếu lấy lòng chân thành để thỉnh thì sẽ không từ chối. Các thầy chia sẻ với Nhân Mỹ học đường ở mục đích của lớp học, đó là dạy chữ để truyền tải nét đẹp văn hóa của cha ông. Khi lên lớp, gặp những môn sinh nhiều chữ nghĩa hỏi những câu hỏi khó, bản thân các thầy phải suy nghĩ. Chúng tôi gọi đó là “giáo học tương trưởng”, hiểu nôm na là thầy trò cùng tiến bộ. Ðó cũng là một điều cuốn hút các thầy”.
 
Lê Thị Bích Hồng
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top