Đua nhau cho trẻ học thư pháp để luyện chữ, rèn tâm

Ngày đăng: 27/12/2012 | 00:12
Thư pháp Việt ngữ được hình thành ở nước ta khoảng 30 năm gần đây. Bắt đầu là nhà thơ Đông Hồ viết thư pháp bằng bút sắt. Mãi đến sau này, nhà sư Minh Đức Triều Tâm ảnh mới khai mào cho phong trào viết thư pháp quốc ngữ bằng bút lông.
 

Học thư pháp không chỉ các cháu nhỏ theo học mà các bạn trẻ cũng có thể thử sức với niềm đam mê mới.
 
Nét chấm phá
Anh Nguyễn Đăng Quang, bố cháu Nguyễn Đăng Khoa đang học lớp 6 tại một trường THCS ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Dịp tết vừa rồi, hai bố con có đi xin chữ ở "phố ông đồ". Thấy Khoa hứng thú với các bức thư pháp nên nghỉ hè, tôi cho cháu đi học luôn".
 
Bản thân anh Quang cũng là người yêu thích thư pháp từ nhiều năm nay bởi theo anh đó là một môn nghệ thuật đầy tính nhân văn, thanh tao, tinh khiết, một nét đẹp văn hóa đáng quý của dân tộc.
 
Chính vì thế, thư pháp với những nét đẹp đó sẽ theo thời gian thấm dần vào tâm hồn, tính cách của người học nhất là với những đứa trẻ khi chúng còn tinh khôi như tờ giấy trắng. Mặc dù vợ anh vẫn muốn con trai tiếp tục theo học lớp piano để có nhiều cơ hội thi thố tài năng nhưng anh lại muốn con mình tự lựa chọn môn học nó thích.
 
Theo anh Quang, không cần học để trở thành nhà thư pháp nổi tiếng mà chỉ mong Khoa sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích và nuôi dưỡng được tình yêu lâu dài với bộ môn nghệ thuật thâm thúy này.
 
Chị Trần Thu Huyền, Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đang tìm lớp học thư pháp cho cô con gái yêu 10 tuổi trong dịp hè với lý do rất đơn giản "Học thư pháp cho nó hiền bớt đi".
 
Theo lời kể của chị Huyền, là con gái nhưng Thuyên là một đứa trẻ vô cùng hiếu động, bướng bỉnh, luôn luôn làm mọi người trong nhà phải điên đầu vì những trò nghịch ngợm quái quỷ. Dường như không có lúc nào Thuyên chịu ngồi yên, trừ lúc ngủ. Cô giáo chủ nhiệm thường xuyên gọi điện phàn nàn với gia đình về việc Thuyên hay nói chuyện riêng, quay ngang quay ngửa trong giờ học, trêu chọc bạn bè.
 
Hè năm ngoái, chị cho con lên chùa học thiền, nghe giảng kinh nhưng con bé vẫn chứng nào tật ấy. Được sư thầy gợi ý, hè năm nay chị quyết định cho Thuyên đi học thư pháp bởi đây là một môn nghệ thuật có ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành nhân cách, giúp trẻ rèn luyện được tính kiên nhẫn, sự điềm đạm, lòng nhân từ.
 
Đồng thời, thư pháp thường được thể hiện bằng những vần thơ, những câu ca dao, tục ngữ mang lời hay ý đẹp, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc nên sẽ gieo vào lòng các em tình yêu sâu sắc đối với con người, quê hương, đất nước và gia đình. Sau vài lần cùng bố mẹ xem các đoạn phim về nghệ thuật thư pháp, thư họa, Thuyên tỏ ra rất háo hức với lớp học sắp tới của mình.
 
Có quá sớm khi cho trẻ học thư pháp?
Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn xung quanh những thắc mắc của các vị phụ huynh, nhà thư pháp Hoa Nghiêm, chủ nhiệm CLB Thư pháp, Nhà văn hóa thanh niên TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Về bản chất, thư pháp là một môn nghệ thuật viết chữ đẹp cho nên nó có thể áp dụng cho tất cả các kiểu chữ từ chữ tượng hình đến chữ La - tinh.

Thư pháp cũng không quy định chỉ lứa tuổi nào mới được học kể cả các em nhỏ. Tất nhiên, trước khi học thư pháp, các em cũng phải đọc thông viết thạo, phải hiểu được ý nghĩa cơ bản của những câu chữ mình viết ra".
Nói về việc dạy thư pháp cho các em nhỏ, thầy Hoa Nghiêm tỏ ra rất tâm đắc: "Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại và phân vân vì thấy các em còn nhỏ quá. Có những em mới học lớp 2, lớp 3, đọc viết còn chưa vững cũng đến học. Nhưng sau một thời gian gắn bó, sự hồn nhiên, ngây thơ, sự chăm chú, tập trung của các em khiến tôi càng ngày càng thêm yêu mến các cô cậu học trò nhỏ và hứng thú với công việc của mình".
 
Theo thầy Hoa Nghiêm, so với người lớn, giáo trình dành cho các em nhỏ về cơ bản không khác nhiều nhưng cũng có những điểm riêng phù hợp với lứa tuổi, trình độ của từng em.
 
Thư pháp Việt ngữ hiện nay có 5 kiểu chữ chính, trong đó kiểu chữ Chân phương (Chân tự) là cách viết mộc mạc, rõ ràng, dễ đọc, giống chữ thường, rất hợp với những người học nhỏ tuổi.
 
Các em sẽ được học bắt đầu từ những đường nét cơ bản nhất, những chữ cái bình thường và luyện đi luyện lại đến khi thuần thục mới chuyển sang một giai đoạn mới với các câu ca dao, tục ngữ đơn giản, gần gũi trong cuộc sống.
 
Trước khi học viết, bao giờ các em cũng được học nghĩa của chữ để hiểu được lời hay ý đẹp trong từng câu chữ, từ đó chuyển tải một cách tốt nhất qua ngòi bút của mình. Thư pháp không chỉ đơn giản là một môn nghệ thuật viết chữ đẹp mà còn là một môn học có tính giáo dục sâu, tác động sâu sắc đến nhân, tâm của con người. Người học vừa luyện chữ, vừa luyện tâm cho nên sẽ có ảnh hưởng rất tốt đối với quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
 
Theo nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, người đã tổ chức thành công rất nhiều khóa học thư pháp - quốc họa, số lượng các em nhỏ theo học môn nghệ thuật này ngày một đông.
 
Trong đó, một số đi học theo ý muốn của cha mẹ, một số do chính các em thích. Nhưng ở lứa tuổi 10 - 15 như các em, hầu hết đều chỉ yêu thích thư pháp một cách cảm tính theo kiểu thấy hay hay, ngộ ngộ, thấy lạ thì học. (Thực ra không chỉ các bạn nhỏ mà nhiều người lớn cũng theo học vì lý do tương tự).
 
Nhưng sau quá trình tìm hiểu, rèn luyện, một số em đã thực sự tìm thấy niềm đam mê trong thư pháp, coi đó là môn nghệ thuật chân chính để mình theo đuổi lâu dài.
 
Thầy Khánh kể, cách đây 2 năm, tại buổi triển lãm thư pháp ở Hà Nội, một vị khách nước ngoài đã chọn mua bức thư pháp Việt ngữ rất đơn giản giữa vô số các tác phẩm công phu khác với giá 200USD. Ai cũng ngỡ ngàng khi biết đó là bức thư pháp của một cậu bé 10 tuổi.
 
Sau nhiều khóa học thư pháp được tổ chức chung cho mọi người ở các lứa tuổi khác nhau, thầy Khánh cũng nhận thấy nhiều em nhỏ thực sự có năng khiếu trong bộ môn này. Tuy có một số hạn chế so với người lớn nhưng các cháu lại có ưu thế về sự dẻo dai, sự hồn nhiên, trong sáng trong từng nét chữ.
 
Trong khi đó, hiện nay, các lớp dành riêng cho lứa tuổi các em hầu như không có. Nếu có lớp học thư pháp cho thiếu nhi chắc chắn các em sẽ theo học nhiều hơn, phát huy tốt khả năng của mình hơn.
 
Nên đưa thư pháp vào các tiết học ngoại khóa
Thầy Khánh cho biết: "Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta đã đưa bộ môn thư pháp vào chương trình học cho các em học sinh bậc tiểu học. Ở Việt Nam, tôi nghĩ sẽ rất hay, bổ ích nếu nhà trường đưa thư pháp Việt ngữ vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa để các em được làm quen với một nét văn hóa rất riêng của dân tộc".
 
Dương Dung
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top