Đam mê dạy chữ Hán Nôm

Ngày đăng: 23/04/2015 | 00:04
 Cái tên Yên Sơn Lê Trung Kiên (Yên Sơn là bút hiệu) khá quen thuộc trong giới nghiên cứu Hán Nôm cũng như trong giới thư pháp (thuộc nhóm Nhị thập bát tú - 28 cây bút trẻ) những năm qua. Nhiều người nghĩ Lê Trung Kiên hẳn theo học chuyên ngành Hán Nôm. Nhưng thực tế, anh chưa từng theo học chuyên ngành Hán Nôm chính thống trên ghế nhà trường. Lê Trung Kiên học Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội rồi công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ. Những năm tháng học chuyên ngành ngôn ngữ giúp anh nhận ra cái hay, cái đẹp của chữ Hán Nôm. "Chữ Hán Nôm là công cụ để ta có thể hiểu về ký ức dân tộc, cho dù đó là thứ chữ viết ông cha ta vay mượn của nước ngoài. Muốn hiểu về văn hóa Việt mà không biết chữ Hán Nôm, không giỏi chữ Hán Nôm thì dễ có nhiều thiếu sót", Lê Trung Kiên chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, anh đã quyết định học chữ Hán cổ. Hiện giờ trên địa bàn Hà Nội có một số lớp dạy chữ Hán Nôm nhưng những năm trước, khi Lê Trung Kiên còn ngồi giảng đường, tìm một lớp học như thế không phải dễ dàng. Cộng với điều kiện kinh tế eo hẹp, không còn cách nào khác, anh chọn con đường tự học. Cha ông ta vẫn có câu "Không thầy đố mày làm nên". Chỉ vậy thôi cũng có thể hiểu Lê Trung Kiên gặp khó khăn thế nào qua quá trình tự học.
 

 
  Từ năm 2000, cái tên Lê Trung Kiên bắt đầu được biết đến trong giới Hán Nôm. Khi còn đi học, Lê Trung Kiên tá túc ở chùa. Khi vốn Hán Nôm đã dày dặn, anh sẵn sàng dạy học cho bất kỳ ai có nhu cầu. Lê Trung Kiên nhờ sư trụ trì các ngôi chùa cho mượn địa điểm dạy học. Năm 2005, Lê Trung Kiên chính thức đứng lên thành lập Nhân Mỹ học đường. Một trong những khó khăn lớn nhất là địa điểm. Anh đề đạt với sư trụ trì chùa Nhân Mỹ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) và nhận được câu trả lời từ sư trụ trì: "Nếu chú có lòng dạy Hán Nôm miễn phí cho mọi người, sao tôi có thể không góp một tay?". Nhân Mỹ học đường bắt đầu có địa điểm giảng dạy ổn định từ đó.
 
  Mười năm là quãng đường khá dài. Khoảng ba năm đầu, chỉ một mình Lê Trung Kiên đứng lớp, mỗi tuần dạy hai buổi. Những năm trước, chữ Hán ít được sự quan tâm hơn bây giờ. Có những hôm thầy phải đích thân nhắn tin đôn đốc học trò đi học. Kể cả khi chỉ có một thầy, một trò, Lê Trung Kiên vẫn soạn bài, vẫn lên lớp như thường lệ. Thông thường anh lên lớp cả ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Không ít lần, khi giờ nghỉ trưa, thầy trò được nhà chùa cho thực phẩm, cho mượn bếp nấu nướng ăn chay ngay tại chùa. Lê Trung Kiên bảo anh chưa bao giờ lo có ngày Nhân Mỹ học đường bị đóng cửa. Bởi vì ngày nào tiếng Việt còn dùng vốn từ Hán Việt, thì chữ Hán Nôm vẫn cần. Anh đã không sai. Hiện giờ, mỗi năm Nhân Mỹ học đường mở hai khóa học, một khóa dạy chữ Hán Nôm dành cho người chưa biết hoặc mới biết chữ, một khóa dạy thư pháp. Vẫn đều đặn tuần hai buổi, lớp Hán Nôm đã tồn tại tới bốn năm nay, lớp thư pháp hai năm. Song điều đáng nói nhất là hiện nay Nhân Mỹ học đường quy tụ được nhiều chuyên gia Hán Nôm, nhiều bậc thầy về thư pháp như Tiến sĩ Nguyễn Văn Ánh, Tiến sĩ Tô Lan, Xuân Như Vũ Thanh Tùng... Nhân Mỹ học đường còn có Hội đồng khoa học, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Điều này góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo của Nhân Mỹ học đường. Mỗi giảng sư ở đây đều có sự nghiệp riêng, nhưng họ vẫn coi Nhân Mỹ học đường như một nơi để "cháy hết mình với đam mê". "Mình "thỉnh" được các thầy về đây dạy là bởi ở đây các thầy có sự đồng cảm. Các thầy thấy mục tiêu giáo dục của Nhân Mỹ học đường không vụ lợi và thấy sự cần thiết trong truyền tải con chữ, truyền tải nét đẹp của văn hóa truyền thống, là cách đối nhân xử thế, là nhân cách, đạo đức của người xưa đến với mọi người", Yên Sơn Lê Trung Kiên cho biết.
 
  Nhân Mỹ học đường hiện còn mở thêm lớp ở chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai). Các lớp học ngày càng thu hút nhiều người đến học. Lớp chữ Hán Nôm mới khai giảng đầu tháng tư nhưng đã có 87 học viên đăng ký. Đối tượng ghi danh vào lớp học cũng đa dạng hơn, có rất nhiều bạn trẻ đang là sinh viên. Cá biệt, học viên nhỏ tuổi nhất mới đang học lớp 4. Cũng có những học viên khi về hưu mới đem sách bút đến xin học. Mỗi lần lên lớp, gặp những học viên đặc biệt như thế, các giảng sư có thêm động lực. Dạy chữ cũng quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là qua những con chữ, truyền tải những nét đẹp văn hóa của người xưa. Đó là tâm niệm của những người đang chung tay xây dựng Nhân Mỹ học đường.
Giang Nam
 
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top