Hồ Tông Thốc người huyện Thổ Thành, phủ Diễn Châu, nay là làng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là một trong những vị tổ họ Hồ ở tỉnh này. Sau, ông chuyển cư ra làng Vô Ngại, huyện Đường Hào, nay là thông Vô Ngại, xã Bạch Sam, huyện Mĩ Văn, tỉnh Hưng Yên. Chưa rõ sinh và mất năm nào. Ông đỗ Trạng nguyên khoảng năm Thiệu Khánh (1370-1372) đời Trần Nghệ Tông, làm quan đến chức Hàn Lâm học sĩ. Khoảng cuối niên hiệu Xương Phù (1377-1388), ông giữ chức Quang lộc đại phu Trung thư lệnh kiêm Hàn lâm học sĩ, tứ Kim ngư đại, Thượng hộ quân. Khi nhà Hồ lên nắm chính quyền, ông về hưu, thọ hơn 80 tuổi.
Ông là nhà văn, là nhà sử học lớn của nước ta. Tác phẩm sử học có bộ Việt sử cương mục (10 quyển) đã bị mất và bộ Việt Nam thế chí (2 quyển) (Phan Huy Chú có ghi lại bài tựa của Việt Nam thế chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí). Văn thơ của ông đến nay chỉ còn lại hai bài thơ và hai bài văn (xem Thơ văn Lí Trần, tập III, 1978, tr.68 - 70).
Từ thế kỉ XVIII, các học giả nhà Thanh trong khi sao lục các di vật ở phủ Liêm Châu (Trung Quốc), thấy có một quả chuông đồng cổ, trên đó khắc văn bản bằng chữ Hán cuả Việt Nam. Bài minh văn này được khảo cứu và chép lại trong Kim thạch bổ chính, quyển 130 thuộc bộ Bát Quỳnh thất kim thạch bổ chính, tập Thạch khắc sử liệu tân biên do Lục Tăng Tường đời Thanh biên soạn(1) và trong Việt Đông kim thạch lược quyển 9, với đầu mục là Liêm châu phủ học An Nam cổ chung minh(2). Gần đây, những ấn phẩm này được tái bản và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Đó là bài văn của Hồ Tông Thốc.
Văn bản khắc trên chuông được chép lại nguyên văn, theo nội dung được phiên âm, dịch nghĩa như sau:
Phiên âm:
Chiêu Quang tự chung minh
Lợi(3) Nhân lộ ngoại, Tinh Cương hộ hương, Thiên Thuộc Đồng xã, Chiêu Quang tự chung minh tính tự.
Thị tuế nhị nguyệt hữu nhân tự Bảo Hoà trì thư nhất chỉ Lai Kinh sư yết dư ư Đông Quan. Dự thụ nhi duyệt chi. Nãi Ninh Vệ tướng quân quản lãnh Nam Sách Thánh dực quân, tứ kim viên phù Trần, khiển khất chung bi minh chi thư dã. Kì ngôn viết: “Khiển(4) ư nang tuế dữ chư tướng phụng mệnh Tây phạt. Quân thứ Đan Thai hải khẩu, dữ sĩ tốt ngư ư hải bạn, ngẫu đắc tư chung. Thị chi vô điệu biểu chi hình, khấu chi hữu lưu lượng chi thanh, phả nhược tân xuất ư lư cách giả. Biến thị chư tướng giai dĩ vi cát triệu. Nãi tải quy Đồng hương, lưu vu tiên nhân sở tác chi tự. Kim tuế, tân tự thành, tương dĩ kì niên tam nguyệt thiết khai quang khánh tán pháp hội. Tư dĩ chung bi tính vị hữu minh, cảm cái công nhất ngôn, khắc chi dĩ chiêu vu tương lai, tí hậu chi quan giả hữu dĩ tri đắc chung vi tự chi hồi(5), do tư khiển chi sở nguyện dã”.
Dư vị: “Vật ư thiên địa gian vô hữu đào hồ, số giả, huống chung hồ ? Phù bất đắc ư tha nhân, nhi đắc ư Ninh Vệ chi thủ; bất(6) luân một ư ba đào, hung dũng chi gian, nhi tư dương ư điện vũ, thâm nghiêm chi thượng. Khải phi số dư ? Nhiên, bất tri Ninh Vệ đắc chung da, chung đắc Ninh Vệ da? Dĩ vi Ninh Vệ đắc chung, tắc bất quá thiện lợi đồng chi dụng nhi dĩ; dĩ vi chung đắc Ninh Vệ, tắc chung chi sở dĩ kì ư Ninh Vệ giả viễn, thả đại hĩ. Chung vân, chung vân, âm thanh vân hồ tai ! Minh viết:
Ô hô tư chung
Bát âm chi nhất
Trầm ư hải ba
Đãi thành khí vật
Số bất khả đào
Lí Hữu khả tất
Cử cương đắc chi
Nhất triêu phù xuất
Trạc nhĩ nê ô
Phát nhĩ tinh minh
Cùng lung kì chất
Lưu lượng kì thanh
Nãi tải chi quy
Đồng hương chi tự
Huyền chi phi lầu
Dụng vi pháp khí
Ninh Vệ đắc chung
Chúng nhân sở văn
Chung đắc Ninh vệ
Dĩ thụ nãi huân
Thượng dương nãi võ
Dữ chung cụ minh
Vĩnh vĩnh vô căn”.
Hoàng Việt Xương Phù cửu niên tuế thứ ất sửu nhị nguyệt hạ cán nhật. Quang lộc đại phu thủ(7) Trung thư lệnh, kiêm Hàn lâm học sĩ, phụng chỉ tứ Kim ngư đại, Thượng hộ quân Hồ Tông Thốc soạn.
Trung nguyên đại phu Nội tẩm học sinh Thư sử chánh chưởng hạ phẩm phụng ngự Nguyễn Đình Giới thư.
Ngự tiền tạo tác nội(8) cục Nguyễn Thiên thuyên.
Dịch nghĩa:
Minh văn chuông chùa Chiêu Quang
Bài minh và lời tựa chuông chùa Chiêu Quang Thiên Thuộc Đồng xã, hương Tinh Cương Hộ, lộ Lị Nhân ngoại(9).
Vào tháng 2 năm nay, có người từ Bảo Hoà cầm một phong thư đến kinh thành gặp tôi ở Đông Quan(10). Tôi nhận thư hết đỗi vui mừng. Đó là thư xin làm bài minh chuông của vị họ Trần, chức Ninh vệ tướng quân quản lãnh Nam Sách thánh dực quân(11), được ban Kim viên phù. Trong thư nói:
“Năm trước, tôi cùng chư tướng phụng mệnh Tây phạt, đến cửa biển Đan Thai(12), khi sĩ tốt trú lại và bắt cá bên bãi biển, bỗng thấy một quả chuông. (Chuông không nứt nẻ) gõ lên thì âm thanh lanh lảnh tựa như chuông vừa mới được đúc khỏi lò. Liền đó, tôi nói với chư tướng rằng đó là điềm lành vậy. Rồi bèn đưa chuông về hương Đồng, để ở ngôi chùa vốn do người trước tạo lập. Năm nay, chùa mới hoàn thành, mở hội khánh thành vào tháng 3. Nhưng chưa có bài minh chuông và bài văn bia, nên cầu xin ngài đôi chữ để khắc lên mà lưu lại về sau, khiến cho sau này có ai đến nhìn ngắm quả chuông này, sẽ biết được nguyên do chuông được trở lại chùa. Như vậy thì chúng thần đạt được ý nguyện rồi”.
Ta nói: “Vật ở trong trời đất khó mà mất vào đâu được, đó là số mà. Huống hồ quả chuông này ? Vậy cớ sao chuông không rơi vào tay kẻ khác mà lại về tay Ninh Vệ; chuông chẳng đã chìm trong sóng gió dồn dập, lại thản nhiên treo ở điện thờ vòi vọi thâm nghiêm. Hẳn chẳng phải là chuyện duyên số sao ? Nhưng không rõ là Ninh Vệ được chuông, hay chuông được Ninh Vệ vậy, phải chăng là Ninh Vệ được chuông thì chỉ để chiếm lợi riêng cho mình thôi ư, hay chăng chuông được Ninh Vệ là do chuông đã có hẹn ước với Ninh Vệ từ lâu rồi. Thật lớn lao sao ! Chuông vang, chuông vang, tiếng vọng mãi mãi. Bài minh rằng:
Ô hô chuông này
Một trong bát âm
Chìm trong sóng biển
Tưởng thành vật phế
Số không thể mất
Lí nào ngờ đâu
Nhờ lưới vớt được
Sớm mai đưa về
Rửa sạch bùn đất
Sáng sủa lạ kì
Chất liệu rắn chắc
Lanh lảnh âm vang
Bèn chở chuông đến
Ngôi chùa hương Đồng
Treo lên lầu tía
Làm pháp khí chùa
Ninh Vệ được chuông
Nhưng ai cũng nói
Chuông được Ninh Vệ
Duy ta được nghe
Ông còn lấy võ
Mà lập công danh
Cùng như tiếng chuông
Vang vọng khôn cùng.
Ngày hạ cán tháng 2 mùa xuân ất Sửu niên hiệu Xương Phù thứ 9 (1385) nước Hoàng Việt.
Hồ Tông Thốc, chức Quang lộc đại phu Trung thư lệnh, kiêm Hàn lâm học sĩ, phụng chỉ tứ Kim ngư đại, Thượng hộ quân soạn văn bia.
Trung quyên đại phu, Nội tẩm học sinh Thư sử chánh chưởng hạ phẩm phụng ngự Nguyễn Đình Giới viết chữ. Ngự tiền đạo tác nội cục Nguyễn Thiên khắc chữ.
*
Về xuất xứ quả chuông này, thì qua lời giới thiệu của các nhà biên soạn của Kim thạch bổ chính và Việt Đông kim thạch lược, chúng ta được biết chuông này được vớt ở bãi biển Hợp Phố (tức Quảng Châu thuộc Quảng Tây) vào năm Khang Hi 13 (1674) đời Thanh, sau đó được lưu giữ tại phủ học Liêm Châu. Soạn giả của Kim thạch bổ chính ghi rõ” An Nam Chiêu Quang tự chung minh. Khang Hi thập tam niên Hợp Phố hải tần phù xuất đồng chung nhất. Lũ khắc công trí, văn tự hoàn hảo. Mạt đề Hoàng Việt Xương Phù cửu niên ất Sửu nhị nguyệt. Hiếu sự giả di trí Liêm châu phủ học. Càn Long Giáp Ngọ đông dư phụng mệnh thị học Việt Đông, đắc thử bạt bản”. Nghĩa là “Chuông chùa Chiêu Quang của An Nam. Vào năm Khang Hi 13 (1674) tại bờ biển Hợp Phố nổi lên một quả chuông đồng. Chữ khắc rất công phu, văn tự hoàn hảo. Phần cuối đề là tháng 2 năm ất Sửu niên hiệu Hoàng Việt Xương Phù thứ 9 (1385). Chuông được người hiếu sự chuyển đặt ở phủ học Liêm Châu. Mùa đông năm Giáp Ngọ (1786), niên hiệu Càn Long, tôi phụng mệnh đi xem xét việc học ở Việt Đông được đọc thác bản bài minh chuông này”.
Các nhà biên soạn trên cũng đã khảo sát niên hiệu Xương Phù và xác định là của Việt Nam. Các soạn giả còn miêu tả khá tỉ mỉ kích cỡ chuông, như chuông có quai là hai đầu rồng, trên có hình nậm rượu. Chuông cao 2 thước 1 tấc 8 phân (tương đương 80cm), chia làm 4 múi, có 6 núm gõ. Ngoài ra còn có bản vẽ hình dáng chuông. Qua hình vẽ này, thấy chuông có phong cách tương tự những quả chuông thời Trần khác được biết ở nước ta.
Qua bài minh văn khắc trên chuông, thì chuông vốn dĩ được vớt lên ở bãi biển Đan Thai mà ngày nay là cửa Hội thuộc tỉnh Nghệ An, rồi được đưa về Thiên Thuộc Đồng xã, hương Tinh Cương, lộ Lị Nhân ngoại, đất tổ của nhà Trần lúc bấy giờ mà nay là một số xã thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Sau đó, chuông được treo ở chùa Chiêu Quang thuộc hương Tinh Cương này. Chuông vốn dĩ chưa có bài minh văn. Sau khi dựng chùa để treo chuông ở đây, Ninh Vệ tướng quân họ Trần-người tìm thấy và đưa quả chuông này về đây trong một chuyến trinh phạt ở phía Tây vào năm 1384, đã xin Hồ Tông Thốc bài văn chuông và bia để khắc. Bài văn trên chuông được khắc vào năm sau-năm 1385(13).
Tác giả bài minh văn này là Hồ Tông Thốc (chữ Thốc cũng đọc là Xác). Đại Việt sử kí toàn thư cho biết Hồ Tông Xác là người huyện Thổ Thành phủ Diễn Châu, có tiếng văn chương ở thời Trần. Cả Kinh sư từng biết tài làm 100 bài thơ ngay trong một bữa tiệc vua ban (Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch Xb. KHXH, 1967, tập 2, tr.181 phiên âm là Hồ Tông Xác).
Qua đây, chúng ta biết thêm một tiêu bản chuông thời Trần và một bài minh văn thời Trần - bài văn của trạng nguyên Hồ Tông Thốc.
CHÚ THÍCH
(1) Văn bản này do Giáo sư Momoki Shino, Đại học ngoại ngữ Osaka gửi tặng (chúng tôi gọi là bản Nhật Bản).
(2) Văn bản này do cố Giáo sư Tạ Trọng Hiệp gửi từ Cộng hòa Pháp dựa theo tài liệu của Đài Loan (Chúng tôi gọi là bản Đài Loan). Chúng tôi xin cảm ơn Giáo sư Momoki Shino và cố Giáo sư Tạ Trọng Hiệp. Nhân đây xin bày tỏ lòng thương tiếc đến cố Gs. Tạ Trọng Hiệp - một học giả người Việt sống ở ngoại quốc, luôn có tâm huyết đến di sản văn hóa của nước nhà.
(3) Bản Đài Loan chữ “lợi” này không đọc được, nên thay bằng 1 ô vuông, Bản Nhật chép được chữ “lợi” này. Chúng tôi theo bản Nhật Bản.
(4) Bản Nhật Bản chép thiếu chữ này.
(5) Bản Nhật Bản chép là “nhân” không rõ nghĩa. Chúng tôi theo bản Đài Loan, chép là “hồi”.
(6) Bản Nhật Bản chép là “nhi” không rõ nghĩa, chúng tôi theo bản Đài Loan chép là “bất”, rõ nghĩa hơn.
(7) Bản Nhật Bản chép thiếu chữ “thủ”
(8) Bản Nhật Bản chép thiếu chữ “tác nội”.
(9) Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (Bản dịch năm 1961, tập IV, tr.6), Thiên Thuộc là lộ quân (thuộc Sơn Nam). Lộ Lợi Nhân ngoại hương Tinh Cương là vùng đất huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình hiện nay.
(10) Đông quan ở đây là Thăng Long.
(11) Cũng như quân thiên thuộc, quân Thánh Dực là lộ quân (thuộc Hải Dương).
(12) Đan Thai, nay là cửa Hội thuộc Nghệ An. Vào Thời gian này, quân đội nhà Trần phải nhiều lần xuất quân vào phía nam ngăn chặn các cuộc tiến công của Chiêm Thành.
(13) Rất có thể chuông này được đúc ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh. Bởi phong cách chuông này tương tự chuông chùa Rối ở xã Cẩm Thịnh huyện Cẩm xuyên tỉnh Hà Tĩnh mới phát hiện, trên chuông không khắc bài minh văn như trên các chuông khác ở các địa phương vùng châu thổ sông Hồng, mà khắc một bài thơ của Phạm Sư Mạnh - một danh sĩ thời Trần. (Xem: Đinh Khắc Thuân: Khôi phục bài thơ khắc trên chuông chùa Rối thời Trần; Những phát hiện mới khảo cổ học, năm 1996, Nxb. KHXH, H.1997, tr.454 - 455).