Chương I Quy định chung

Ngày đăng: 04/07/2022 | 00:07

Điều 1. Danh xưng, biểu tượng, phương châm, trụ sở

           Cơ sở đào tạo này lấy danh xưng là Nhân Mỹ học đường (gọi tắt là Học đường).

           Biểu tượng của Nhân Mỹ học đường là một khuôn triện hình vuông, bên trong có dòng chữ Hán 仁美學堂 (theo thể Hán đỉnh phồn cổ ấn) với nội dung là “Nhân Mỹ học đường”, được trình bày theo 2 cột dọc. Trong đó, nửa bên phải từ trên xuống là hai chữ 仁美 “Nhân Mỹ” được khắc chìm (bạch văn), nửa bên trái từ trên xuống là hai chữ 學堂 “học đường” được khắc nổi (chu văn), như hình dưới đây:

         

            Phương châm đào tạo của Nhân Mỹ học đường là “Giáo học tương trưởng”.

Nhân Mỹ học đường đặt trụ sở tại Hà Nội, và xem xét đặt văn phòng điều hành tại các địa phương khi cần thiết.

 

Điều 2. Quan điểm tổ chức

           Xã hội hóa, phi lợi nhuận, không vì mục đích kinh tế.

           Chia sẻ tri thức xã hội, xiển dương các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống thông qua việc đào tạo hai bộ môn cơ bản là Hán Nôm và Thư pháp.

           Hiện thực hóa những giá trị chân, thiện, mỹ vào cuộc sống mỗi học viên.

Điều 3. Hình thức tổ chức

Lớp học theo niên khóa; đề cao tinh thần tự quản, tự giác; có tổ chức kiểm tra và sát hạch định kỳ từng học phần theo chương trình khóa học, tổ chức thi tốt nghiệp cuối khóa và trao Chứng nhận hoàn thành khóa học; duy trì niên khóa cố định; hoạt động ngoài giờ hành chính.

Điều 4. Đối tượng học tập

Mọi người, từ đủ 16 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, nền tảng văn hóa, nghề nghiệp và kiến thức chuyên môn.

Tự nguyện viết đơn xin học và được Học đường chấp thuận.

Điều 5. Đội ngũ giảng dạy

           Những người được đào tạo cơ bản, có tri thức chuyên môn, có thành tựu trong nghiên cứu, thực hành về văn hóa truyền thống, chữ Hán, chữ Nôm và nghệ thuật Thư pháp; các Giảng sư thỉnh giảng theo chuyên đề; Giảng viên phụ trách từng học phần, từng môn học;

           Mẫu mực về đạo đức, nhân cách và trí tuệ; có tinh thần thuyết giảng không điều kiện, không vụ lợi;

           Được Đốc giáo thỉnh nhiệm giảng dạy tại Học đường.

Điều 6. Chương trình, thời gian, thời khóa

Chương trình đào tạo bao gồm 2 nội dung lớn tương ứng với 2 bộ môn: Hán Nôm và Thư pháp. Được tổ chức thành các hệ đào tạo:

           - Hán Nôm và Thư pháp hệ 4 năm;

           - Thư pháp hệ 2 năm;

           - Hán Nôm và Thư pháp nâng cao hệ 1 năm;

           - Thư pháp nâng cao hệ 1 năm.

           Hội đồng Điều hành xem xét việc mở thêm các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo ngắn hạn và các lớp bồi dưỡng chuyên đề khi có nhu cầu và trên cơ sở xem xét các điều kiện đảm bảo.

Việc dạy, học tại các cơ sở thuộc Nhân Mỹ học đường được tiến hành cố định vào các ngày thứ Bẩy và Chủ nhật hàng tuần. Trong trường hợp liên kết và phối hợp đào tạo mà nơi đào tạo diễn ra ngoài cơ sở của Nhân Mỹ học đường thì thời gian sẽ do đơn vị liên kết, phối hợp sắp xếp.

Giờ học: Mùa hè, sáng từ 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút; chiều từ 14 giờ 00 phút đến 17 giờ 30 phút. Mùa đông, sáng từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút. Ban Đào tạo thông báo cụ thể về thời gian, thời khóa và giờ học.

Điều 7. Nề nếp sinh hoạt và ứng xử

Thành viên của Nhân Mỹ học đường phải thực hiện các quy định sau:

Học viên phải đeo thẻ khi đến lớp; giữ gìn vệ sinh lớp học và cơ sở tự viện.

Để xe đúng nơi quy định. Không mang xe vào khuôn viên cơ sở tự viện nếu không được cho phép. Không làm kinh động đến nơi thanh tịnh, linh thiêng.

Giữ gìn nghi biểu và tư dung đoan chính. Trang phục thanh nhã, gọn gàng, kín đáo. Không mặc váy hoặc quần ngắn trên đầu gối.

Cởi bỏ kính râm, mũ, nón trước khi vào cơ sở tự viện, lớp học.

Chỉnh đốn trang phục, lễ chào quý vị chức sắc bản tự, quý Giảng sư, Giảng viên; đảm bảo yên tĩnh, trật tự khi vào cũng như khi ra khỏi cơ sở tự viện và lớp học.

Học viên cung kính với Giảng sư, thân hữu với đồng môn. Xưng hô trân trọng và thân mật, giữ lễ Nho gia trong quan hệ thầy trò và đồng môn. Học viên tôn xưng thành viên Hội đồng Điều hành, Giảng sư, Giảng viên là “Thầy”, “Cô”; khiêm xưng “Học trò” (với Học viên lớn tuổi), xưng là “Con” (với Học viên là thanh niên và thiếu niên).

Ghi nhớ các ngày lễ trọng của Phật giáo, húy Tổ và những thời gian nghi thức của tự viện để có các nghi lễ phù hợp.

Mọi thành viên có trách nhiệm tham gia công việc chung của tự viện, Học đường khi được triệu tập hoặc mời tham dự.

Điều 8. Cơ sở vật chất, hậu cần

Mọi thành viên đều có trách nhiệm tiết kiệm điện, nước, giữ gìn, bảo vệ cơ sở vật chất của tự viện, nơi đặt cơ sở đào tạo của Học đường và tài sản chung của Lớp học.

Không tự ý sử dụng đồ dùng hoặc vật chất khác của tự viện, các đơn vị liên kết đào tạo khi chưa được cho phép.

Tự quản hành lý, tư trang, phương tiện giao thông và học cụ của mình.

Giữ vệ sinh chung, không xâm hại đến cảnh quan, cơ sở vật chất của tự viện và Học đường.

Trường hợp cần thiết sử dụng các điều kiện vật chất, Cán sự lớp phải thông báo Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách cơ sở của  Học đường, báo cáo Giảng sư và xin phép người đại diện quản lý các cơ sở thờ tự.

Với những cơ sở tổ chức học cả ngày, học viên ở lại bán trú cần chuẩn bị ngọ trai nhanh, đơn giản và thanh đạm; nghỉ trưa tĩnh lặng, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở thờ tự.

Điều 9. Tài chính và chi phí học cụ

           Học đường thực hiện hoạt động đào tạo không thu học phí. Giảng sư, Giảng viên đứng lớp và cá nhân tham gia công tác quản lý trong cơ cấu tổ chức của Nhân Mỹ học đường với tinh thần tự nguyện phục vụ, không nhận thù lao.         

Trường hợp cần thiết huy động tài chính để hỗ trợ công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu và chất lượng học tập của Học viên, Chánh Văn phòng Học đường  xem xét, thỉnh thị ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Điều hành để quyết định huy động đóng góp; quyết định mức, mục và nội dung thu chi, đảm bảo tự nguyện, công khai, minh bạch.

           Công tác tài chính được giao trực tiếp cho nhân sự phụ trách tài chính - kế toán thuộc Văn phòng Học đường đảm trách.

Kinh phí đóng góp chung chỉ dùng cho mục đích học tập của học viên, các nội dung khác, nếu có, phải xem xét tính cần thiết và thỉnh thị ý kiến của Chủ nhiệm lớp. Trường hợp quan trọng khác cần chi phí phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng Điều hành.

Hạn chế tối đa việc thu, chi từ nguồn quỹ lớp. Công khai thu chi theo định kỳ 6 tháng 1 lần.

  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top