Tọa đàm có sự tham dự của TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TS. Phạm Văn Ánh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các đại biểu là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, thư pháp cùng đại diện các cơ sở đào tạo, câu lạc bộ thư pháp trên địa bàn.
Đại diện Nhân Mỹ học đường, Đốc giáo Yên Sơn Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Thư pháp ThS. Nguyễn Quang Duy đã đến dự và có bài phát biểu tại Tọa đàm.
Trong bài phát biểu của mình, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường nhận định, hoạt động Thư pháp đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trong đời sống xã hội hiện nay. Thông qua các hoạt động giao lưu và trình diễn thư pháp tại Hội chữ Xuân hàng năm tổ chức tại Văn Miếu, có thể thấy ngày càng nhiều người quan tâm và có nhu cầu học tập, rèn luyện bộ môn nghệ thuật này.
Nhận định thực trạng công tác đào tạo thư pháp hiện nay, Đốc giáo đánh giá cao việc thành lập và đi vào hoạt động của một số lớp học đã theo hướng chuyên nghiệp hóa, giảm bớt tình trạng tập luyện tự phát, đi sâu hơn vào nghiên cứu các vấn đề thực chất như bút pháp, chương pháp; và các vấn đề liên quan như lịch sử thư pháp, đặc trưng thư thể, vấn đề bi, thiếp… Tuy nhiên, những lớp như vậy quá ít, số lượng học viên hạn chế, có lớp đã ngưng hoạt động.
Mặc dù vậy, thực tế hiện nay, hầu như không có hoạt động đào tạo thư pháp mang tính chính quy, cơ sở đào tạo ngoài công lập cũng rất hạn chế. Nhân sự có chuyên môn, năng lực và thâm niên hoạt động nghệ thuật thư pháp thì chủ yếu tự đào tạo, và số lượng có hạn. Việc đào tạo thư pháp chưa gắn chặt với đào tạo Hán Nôm, còn có tình trạng thư pháp ứng dụng chưa đáp ứng nhu cầu và chưa theo kịp mặt bằng chung về Hán Nôm của xã hội.
Với bề dày 15 năm đào tạo Hán Nôm và thư pháp của Nhân Mỹ học đường, Đốc giáo Lê Trung Kiên chia sẻ một số kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo tại Học đường. Trên cơ sở các thành tựu đó, để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội và phục vụ tốt hơn thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường khẳng định sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa những thành tựu đã đạt được, kiên định quan điểm phục vụ trong hoạt động của Học đường, thực hiện các hoạt động dạy và học thuần túy vì giá trị văn hóa, học thuật và nghệ thuật. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ Giảng sư, Giảng viên; hoàn thiện, chuẩn hóa và xuất bản giáo trình, tài tiệu học tập; tăng cường nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, phối hợp đào tạo với nhiều cơ sở khoa học, nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài nước; nâng cao năng lực thực hành và ứng dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn của học viên; mở rộng quy mô đào đạo; thành lập các chuyên khoa sâu; quảng bá, lan tỏa giá trị đến cộng đồng.
Trong công tác đào tạo thư pháp, Đốc giáo nhận định, Học đường đã đề ra và đang nghiên cứu vận dụng các định hướng phát triển: kết hợp đào tạo mở rộng và đào tạo chuyên sâu, tiến tới tập trung vào đào tạo chuyên sâu trong tương lai; thực hiện hiệu quả việc đào tạo Hán Nôm gắn liều với đào tạo thư pháp; kết hợp giữa đào tạo Hán Nôm chính quy và đào tạo thư pháp theo hình thức câu lạc bộ; hướng việc đào tạo đến công tác ứng dụng xã hội và phục vụ cộng đồng.
Tại Tọa đàm, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường cũng trao đổi với đại diện các câu lạc bộ thư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội về việc cần có sự phối hợp trong công tác đào tạo và hoạt động triển lãm, biểu diễn, giao lưu thư pháp để có tính thống nhất trong phục vụ công chúng. Cần xem xét việc xây dựng một cơ chế hoạt động chung hoặc thành lập một tổ chức mang tính liên hiệp cho các câu lạc bộ, các cơ sở đào tạo và hoạt động thư pháp trên địa bàn Thành phố.
Kiến nghị với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường mong muốn Trung tâm phát huy vai trò là trung tâm để liên kết, kết nối và thúc đẩy hoạt động của các Câu lạc bộ, các cơ sở đào tạo Hán Nôm, thư pháp không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn trên cả nước; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, công tác tổ chức cho các hoạt động đào tạo và triển lãm thư pháp của các câu lạc bộ; đưa triển lãm thư pháp vào hoạt động chuyên môn, thường niên, gắn với công tác chuyên môn của Văn Miếu để thực hiện chức năng giáo dục và quảng bá văn hóa.
Đốc giáo Lê Trung Kiên đề xuất với Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám việc thành lập một hội đồng cố vấn với các nhà chuyên môn về Hán Nôm, thư pháp và văn hóa truyền thống hoặc thúc đẩy một cơ chế phối hợp thường xuyên được quy chế hóa gắn trách nhiệm và quyền lợi với một cơ sở đào tạo có uy tín để nâng cao tính học thuật, tính văn hóa và tư vấn cho các hoạt động chuyên môn của Văn Miếu, cần xây dựng chiến lược tổng thể liên quan đến các hoạt động thư pháp, tiến tới đưa hoạt động thư pháp trở thành một hoạt động văn hóa, một sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch tạo nên giá trị kinh tế./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm