Cuộc họp về công tác tổ chức Hội thảo hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường

Ngày đăng: 20/05/2024 | 00:05

Chiều ngày 17/5, tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử giám đã diễn ra cuộc họp về công tác tổ chức hội thảo “Hoạt động đào tạo Hán Nôm và Thư pháp ngoài công lập” do Nhân Mỹ học đường chủ trì, phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Bộ môn Hán Nôm (Trường Đại học KHXH&NV) tổ chức vào trung tuần tháng 11/2024. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, trọng tâm hướng tới Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường (2005-2025).

Quang cảnh cuộc họp.

TS. Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ học đường chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các đơn vị phối hợp: TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Đinh Thanh Hiếu, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng các thành viên Hội đồng Khoa học Nhân Mỹ học đường, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu, phụ trách các ban chuyên môn và văn phòng Nhân Mỹ học đường.

“Hội thảo là hoạt động thiết thực hướng tới Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường”, Đốc giáo, TS. Lê Trung Kiên phát biểu.

Nhân Mỹ học đường là cơ sở đào tạo Hán Nôm và Thư pháp Hán Nôm được thành lập năm 2005. Khởi đầu là một lớp học nhỏ trong chùa. Đến nay, sau 19 năm, Nhân Mỹ học đường đã phát triển với quy mô 12 lớp học tại 02 cơ sở đào tạo, 03 hệ đào tạo: 04 năm, 02 năm và nâng cao thuộc 02 bộ môn Hán Nôm và Thư pháp.

Đối tượng học viên tham gia Nhân Mỹ học đường không chỉ bao gồm những người hoạt động, quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống mà còn có rất đông học viên từ nhiều ngành nghề khác, như: giáo viên, kiến trúc sư, kỹ sư, sỹ quan quân đội nghỉ hưu… ở Hà Nội và nhiều địa phương của miền Bắc, thậm chí cả các tỉnh thành xa như: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hòa Bình, Nam Định, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh… Số lượng tuyển sinh của năm học 2024 với 03 lớp học lên tới hơn 350 học viên.

“Thực tế trên cho thấy, Nhân Mỹ học đường đã cung cấp một dịch vụ đào tạo và đáp ứng một phần mong muốn học tập, nghiên cứu về Hán Nôm và Thư pháp của xã hội. Tuy nhiên, sau 20 năm, bên cạnh những mặt tích cực, được kế thừa và phát huy, chắc chắn cũng có những vấn đề “đi muộn” với thời cuộc. Làm thế nào để nâng cao hoạt động đào tạo tại Nhân Mỹ học đường, nhất là nâng cao chất lượng dạy và học là mục tiêu chính mà Hội thảo hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Nhân Mỹ học đường đặt ra”, Đốc giáo Lê Trung Kiên nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá việc tổ chức Hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với công tác giảng dạy, học tập Hán Nôm và Thư pháp tại Nhân Mỹ học đường mà còn có khả năng lan tỏa hiệu ứng sâu rộng đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu Hán Nôm, Thư pháp tại các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục hiện nay. Lãnh đạo các đơn vị phối hợp nhất trí với các nhiệm vụ được Ban Tổ chức phân công trong Kế hoạch tổ chức Hội thảo.

TS. Đinh Thanh Hiếu phát biểu tại cuộc họp.

TS. Đinh Thanh Hiếu, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học KHXH&NV, đánh giá cao mô hình và chương trình đào tạo mà Nhân Mỹ học đường đã và đang thực hiện. Theo TS. Đinh Thanh Hiếu, bên cạnh những điểm chung của 2 hình thức đào tạo Hán Nôm trong và ngoài công lập thì mỗi hình thức lại có những lợi thế và hạn chế riêng, do đó có thể bổ sung, phối hợp cho nhau.

“Việc tổ chức hội thảo, qua đó làm rõ hơn mô hình, khung chương trình, nội dung đào tạo, cách thức tổ chức dạy và học để vừa hướng tới nghiên cứu, hàn lâm, học thuật nhưng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội là một hoạt động rất có ý nghĩa”, TS. Đinh Thanh Hiếu đánh giá.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường nêu ý kiến về chương trình Hội thảo.

Từ góc độ chuyên môn sâu, nhất là với những kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội thảo khoa học, hoạt động nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có những ý kiến rất cụ thể, sâu sắc đối với nội dung chương trình Hội thảo. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường cho rằng, Ban Tổ chức cần định hướng rõ hơn phạm vi, mục tiêu của Hội thảo để từ đó xác định hình thức tổ chức và đối tượng tham gia phù hợp.

“Hội thảo có thể có thêm hình thức bàn tròn để đa dạng đối tượng tham gia và hướng tới đại chúng rộng rãi. Trong đó có cả những người hoạt động thực tiễn, quản lý trong các di tích, hành nghề du lịch, học viên…”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường chia sẻ.

TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu.

Địa điểm tổ chức hội thảo dự kiến tại không gian Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vì vậy, với vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, Trung tâm sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, hành chính, hậu cần… để Hội thảo diễn ra thành công.

“Việc tổ chức hội thảo là biểu hiện cụ thể, sinh động của thỏa thuận phối hợp mà Nhân Mỹ học đường và Trung tâm đã ký”, TS. Lê Xuân Kiêu khẳng định.

TS. Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu tại cuộc họp.

TS. Nguyễn Đại Cồ Việt, Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu.

ThS. Nguyễn Đức Bá, Giảng viên trường Đại học Văn hóa, Chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm Nhân Mỹ học đường phát biểu.

ThS. Lê Huy Hoàng, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trưởng Ban Đào tạo Nhân Mỹ học đường phát biểu.

TS. Phạm Thị Quỳnh, Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu.

ThS. Nguyễn Liên Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu.

Kết luận cuộc họp, TS. Lê Trung Kiên - Đốc giáo Nhân Mỹ học đường cảm ơn sự quan tâm phối hợp và đồng thuận tổ chức Hội thảo của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, và của các đại biểu dự họp, Đốc giáo giao Hội đồng Khoa học tiếp thu, hoàn chỉnh Kế hoạch Hội thảo để chính thức ban hành. Theo Kế hoạch đã được thống nhất, Hội thảo sẽ được diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào trung tuần tháng 11/2024,  trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày Di sản Việt Nam 23/11.

Đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.

Ban Truyền thông Nhân Mỹ học đường

  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top