Giáo trình Tam Tự Kinh trích giảng

Ngày đăng: 10/05/2019 | 00:05
Là người sáng lập Nhân Mỹ học đường, cơ sở đào tạo Hán Nôm và Thư pháp uy tín tại Hà Nội suốt 14 năm qua, Cư sĩ Yên Sơn Lê Trung Kiên luôn trăn trở với việc tìm kiếm và lựa chọn tài liệu, giáo trình bổ ích cho những người có nhu cầu tìm hiểu về chữ Hán và Thư pháp chữ Hán.
 
Với những người học chữ Hán, Tam Tự Kinh là cuốn sách ấu học nổi tiếng, đã được sử dụng ở nước ta từ lâu. Bản thân Nhân Mỹ học đường cũng sử dụng giáo trình Tam Tự Kinh cho giai đoạn sơ học. Tuy vậy, trong quá trình giảng dạy, các giảng sư của Nhân Mỹ học đương nhận thấy rằng, những ấn bản Tam Tự Kinh trên thị trường hiện nay đều sơ sài về nội dung và biên tập, thậm chí có những từ, những đoạn chưa phản ánh đúng ngôn ngữ, ý tứ của bản gốc. Đó là lý do thôi thúc Đốc giáo Nhân Mỹ học đường chắp bút chủ biên cuốn Giáo trình Tam Tự Kinh trích giảng.
 
Quá trình biên soạn sách có sự tham gia của ThS. Lê Huy Hoàng, hiện là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục Ngôn ngữ tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc, đồng thời là giảng sư bộ môn Thư pháp, Thư ký Hội đồng Điều hành Nhân Mỹ học đường. 
 
Bên cạnh nội dung Hán Nôm, giáo trình cung cấp những kiến thức cơ bản về thư pháp, nhằm phù hợp với thực tiễn giảng dạy của giảng viên và nhu cầu tìm hiểu của học viên.
 
Giáo trình dày 246 trang, được chia làm 4 phần:
 
Phần 1: Diễn trình văn tự Hán – cung cấp cho người đọc kiến thức tổng thể về lịch sử hình thành và các thời kỳ phát triển của văn tự Hán; định nghĩa cơ bản về thư pháp và lịch sử thư pháp Trung Hoa; khái lược về công cụ và phương pháp học thư pháp. 
 
Phần 2: Tam Tự Kinh. Với 23 đoạn trích giảng, phần Tam Tự Kinh của giáo trình không phải toàn bộ nội dung kinh văn gốc, mà đã được tuyển soạn, để vừa bảo đảm tính cương yếu của nội dung sách gốc, lại vừa phù hợp với tâm thức và nhu cầu học tập của người Việt Nam hiện nay.
Mỗi bài đều được chia theo các mục: chữ Hán, phiên âm Hán – Việt, giải thích từ mới, chú thích, ngữ pháp và dịch nghĩa, được biên tập công phu và tỉ mỉ. Trong đó, phần chú thích được tác giả đặc biệt dành tâm huyết, với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người học.
 
Phần 3: Bộ Thủ chữ Hán – giới thiệu 214 bộ Thủ dùng trong Khải thư (căn cứ theo từ điển Khang Hy), và 50 bộ Thủ thường dùng trong số đó.
 
Phần 4: Mẫu chữ Tam Tự Kinh – là bản chép tay bút sắt Tam Tự Kinh trích đoạn, làm mẫu để học viên có cơ sở thực hành và tìm hiểu ở mức cơ bản những vấn đề như đường nét, kết thể, chữ dị thể (cách viết khác với cách viết tiêu chuẩn hiện hành). 
 
Với những nội dung nêu trên, Giáo trình Tam Tự Kinh trích giảng hẳn nhiên nên là cuốn sách gối đầu giường của những người bắt đầu học chữ Hán và những người yêu thích, mong muốn tìm hiểu nghệ thuật Thư pháp chữ Hán. 
 
Cuốn sách do Nhà Xuất bản Tôn giáo phát hành. In và nộp lưu chiểu năm 2019./.

NMHĐ
 
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top