Di sản Hán Nôm Côn Sơn - Thanh Mai

Ngày đăng: 17/10/2024 | 00:10

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc với hình sông, thế núi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian linh thiêng và hùng vĩ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, vùng đất này vẫn còn giữ trong mình nhiều lớp trầm tích văn hóa vô cùng đặc sắc của các triều đại kế tiếp nhau.

Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích rộng lớn, bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ kính, trong đó, tiêu biểu nhất là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Năm 1962, quần thể di tích được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Gắn với các di tích là di sản Hán Nôm vô cùng giá trị của tỉnh Hải Dương và của cả nước, như: văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối, thần tích, sắc phong, văn tế, thơ phú,…

Di tích Côn Sơn nằm trong quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc, gồm các khu vực chính: chùa Côn Sơn, Thanh Hư động, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, núi Ngũ Nhạc, Bàn cờ tiên, Đăng Minh bảo tháp, hồ Côn Sơn, suối Côn Sơn.

Chùa Côn Sơn tên Nôm là chùa Hun, tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, Tư Phúc tự, Côn Sơn tự, được xây dựng từ thế kỷ XIV. Chùa Côn Sơn hiện còn 16 bia đá niên đại từ thời Trần (thế kỷ 14) đến thời hậu Lê (thế kỷ 18). Nội dung các bia ghi chép nhiều lĩnh vực: hệ thống các công trình của chùa, trùng tu, tôn tạo, lập hậu Phật, công đức, lễ nghi, tục lệ, sự tích các tổ tu hành ở chùa, văn thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn của các danh nhân, bút tích của các vua, chúa trong triều đình… Trong số 16 bia đá, 04 bia được lưu giữ tại sân chùa và 12 bia đặt tại hai dãy hậu hành lang chùa Côn Sơn.

Chùa Thanh Mai gắn liền với đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa tôn giả, được khởi dựng từ thế kỷ XIII. Chùa tọa lạc trên sườn non Phật Tích hay còn gọi là núi Tam Ban (ba cấp núi nối liền của Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh). Chùa Thanh Mai là một đại danh lam, cùng với hệ thống các chùa thuộc cánh cung Đông Bắc là trung tâm tôn giáo lớn mà Thiền phái Trúc Lâm truyền bá đạo Phật như: Yên Tử - Quỳnh Lâm - Côn Sơn - Báo Ân và Vĩnh Nghiêm. Chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.

Tại chùa Thanh Mai, hiện còn bảo tồn được một số tấm bia thời Trần và Lê: Thanh Mai Viên Thông Tháp bi (1362); Trùng tu Thanh Mai Tự bi (1610); Trùng tu Phật Tích Sơn Bi ký (1707); Trùng tu Phật Tích Sơn, Thanh Mai tự bi ký (1708); bia trên Phổ Quang Tháp (1702); bia trên Linh Quang Tháp (1703); bia trên Viên Thông Tháp (1718).

Di tích Côn Sơn và chùa Thanh Mai cũng là nơi lưu giữ 04 hiện vật, nhóm hiện vật của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.

1. Bộ tượng Tam thế Phật

Bộ tượng thời Lê Trung Hưng (1533-1789), đang thờ tại chùa Côn Sơn. Tên đầy đủ của bộ tượng là Tam thế thường trụ diệu Pháp thân. Pháp thân là chân thật; diệu là đẹp, sáng, nhiệm màu, thoát khỏi phiền não; thường trụ là luôn tồn tại. Bộ tượng mang ý nghĩa thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, tướng, sắc của thế giới hữu hình cũng như không gian và thời gian.

Bộ tượng được công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Bia Thanh Hư Động

Niên hiệu Long Khánh (1372-1377) thời Trần Duệ Tông, hiện lưu giữ tại chùa Côn Sơn, bằng đá xanh, rộng 95 cm, cao 165 cm, dày 7 cm. Rùa đội bia dài 180 cm, rộng 100 cm, dày 28 cm. Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xanh. Mặt trước, trên diềm đỉnh trán bia trang trí rồng chầu mặt trời. Đôi rồng được chạm theo lối triện hóa; mặt trời là một khối tròn có mây che.

Bia được công nhận đợt 4 (theo Quyết định 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

3. Bia Côn Sơn tư phúc tự bi

Bia có từ năm 1607, niên hiệu Hoằng Định thứ tám, hiện ở chùa Côn Sơn. Bia được chế tác từ đá xanh, hình lục lăng, cao 173 cm, rộng 33 cm, trọng lượng khoảng 500 kg. Nội dung bia ghi chép cô đọng, súc tích về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607, do thiền sư trụ trì là Mai Trí Bản chủ trì. Nội dung cho biết chùa Côn Sơn Tư Phúc có từ thời Trần.

Bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 (Theo Quyết định 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

4. Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi

Bia hiện ở chùa Thanh Mai, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) bằng chất liệu đá xanh, cao 131 cm, rộng 82 cm, dày 14 cm. Rùa đội bia dài 165 cm, rộng 103 cm, cao 30 cm. Văn bia ghi lại hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm, ghi rõ chùa Thanh Mai được Pháp Loa tôn tạo mở rộng ở thế kỷ XIV, là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

Bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 5 (Theo Quyết định 2469/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

 

- NHÂN MỸ HỌC ĐƯỜNG

  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top