Giới thiệu sách: Cổ Vận Tân Phong

Ngày đăng: 14/03/2021 | 00:03
Dự án sách Cổ vận tân phong ra đời, tuyển chọn khoảng 160 sáng tác bằng chữ Hán ở các thể loại thơ, từ, phú, hát nói của 12 tác giả Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước. Nhân Mỹ học đường có 4 giảng sư tham gia tác phẩm trong sách, bao gồm: Vô Công Phạm Văn Ánh, Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Hy Nhân Nguyễn Quang Duy, Mặc Sinh Lê Huy Hoàng.
 
Trên bình diện chung tại Việt Nam ngày nay, các tạo tác văn hóa gắn với nền Hán học đều trở thành “đồ cổ”. Tuy nhiên, dễ nhận thấy khi đời sống khá giả lên, các nhu cầu tinh thần sẽ được quan tâm hơn. Việc nghiên cứu và phục cổ cũng không nằm ngoài quy luật này. Người ta nhóm họp chơi đồ cổ, làm đồ phỏng cổ: từ thanh đồng, gốm sứ, sơn thếp cho đến trang phục, tranh chữ, ca trù…, ở khía cạnh tích cực, đã đem lại cho xã hội các nhận thức rõ nét hơn về bản sắc của dân tộc.
Xét cho cùng, cũng như văn minh Hi - La đã trở thành một phần căn bản của nền văn hóa phương Tây, văn minh Hoa Hạ đã thấm sâu, trở thành bộ phận không thể sơ suất bỏ qua trong trong nền văn hóa các nước Đông Á và Việt Nam. Bởi lẽ ấy, để hiểu và định vị về bản sắc dân tộc đặt trong tương quan với các nước trong khu vực, bắt đầu từ những thứ thường nhật như lời ăn tiếng nói cho đến các thành tựu văn chương hàn lâm, người Việt Nam không thể không trang bị những hiểu biết nhất định về một vài thể loại văn học cơ bản như thơ Đường, tiểu thuyết Minh Thanh.
Từ logic đó mà nói, các sáng tác mới trong lĩnh vực văn học Hán Nôm vẫn còn cơ sở và cơ hội để nảy sinh, dẫu rằng “môi trường sống” đã thu hẹp đáng kể. Thêm nữa, văn học Hán Nôm luôn âm thầm tự tạo sức cuốn hút riêng bởi vẻ bí hiểm, sâm nghiêm, kích thích sự tò mò tìm hiểu, thử nghiệm đối với những ai yêu thích cổ học. Bởi thế, đối với một bộ phận học giả và những người tích lũy đủ vốn Hán Nôm, đều ít nhiều tự sáng tác văn thơ theo lối cổ, và tận dụng được lợi thế của các diễn đàn online, trang mạng xã hội - những môi trường xóa bỏ rào cản của không gian vật lý, để kết nối và tương tác với nhau. Lẽ đồng thanh tương ứng càng khiến cho họ không cảm thấy đơn độc, có thêm động lực để chia sẻ đam mê đến cộng đồng dù nhỏ bé. Cứ như vậy, các tác phẩm văn chương, thơ phú Hán Nôm mới sáng tác đã tìm được cách tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Song, còn quá sớm để khẳng định có một trào lưu văn học phục cổ, cũng như tới giờ chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về lý luận, khuynh hướng, đặc điểm của các tác giả và các sáng tác Hán Nôm đương đại ở Việt Nam, cho dù những gì đã và đang trình hiện khá đa dạng về thể loại: thơ, từ, phú, ký, minh văn, câu đối, hát nói…. Tuy nhiên có thể mường tượng, một khi đã vận dụng các hình thức văn học cổ điển thì thủ pháp chính vẫn sẽ là sử dụng ngôn từ, điển cố trong thư tịch kinh điển có tính ước lệ, trang nhã, hướng đến các đề tài truyền thống, như: thuật hoài (nói lên cảm nghĩ), hoài hữu (nhớ nhung bạn bè), kỷ du (ghi chép việc du ngoạn), nhàn dật (tâm trạng thư nhàn), khuê tứ (nói thay cảm xúc phòng khuê), vịnh sử (cảm nghĩ về sự kiện, nhân vật lịch sử) …
Đương nhiên, khi đã viện đến nhiều tầng lớp cũ kỹ ấy để nương náu, các tác giả đã mặc nhiên từ chối lối bộc bạch ngôn từ một cách trực diện, và sẵn mang tâm thái lẩn tránh những thứ dễ dãi, xô bồ ở thực tại để chìm đắm vào không gian tưởng tượng khác - ở thời quá khứ, kín đáo và tinh khiết hơn, nói như Lưu Trường Khanh đời Đường là: “Cổ điệu tuy tự ái, kim nhân đa bất đàn” (Điệu cũ tuy ta thích, đời nay mấy kẻ đàn).
Lác đác thời nay xuất hiện các tập thơ văn chữ Hán của Tào Mạt, Trần Quang Đức, đánh dấu chặng đường sáng tác của cá nhân, chủ yếu dành để tặng đáp bè bạn, ngâm nga tự vui. Tuy nhiên, để độc giả Việt Nam và các nước đồng văn trước đây có thêm góc nhìn mới mẻ về một cộng đồng sáng tác văn học Hán Nôm ở Việt Nam thì cần những cuốn hợp tuyển, trích diễm có phạm vi thu thập rộng hơn. Đó là lý do dự án sách Cổ vận tân phong ra đời, tuyển chọn khoảng 160 sáng tác bằng chữ Hán ở các thể loại thơ, từ, phú, hát nói của 12 tác giả Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.
Các tác giả có người làm chuyên ngành nghiên cứu Hán Nôm, văn học, có người làm họa sỹ, nhà thư pháp, dịch thuật, làm ngân hàng, kỹ sư,… nhưng có điểm chung là hướng các sáng tác tuân thủ nghiêm cẩn theo cách luật, phục dựng vận vị cổ kính của văn học cổ điển. Đồng thời, các tác giả đã tự phiên âm, chú thích, dịch nghĩa ngõ hầu bày tỏ rõ ràng với độc giả về nội dung tác phẩm của mình.
Về thơ chiếm số lượng chính của sách, chủ yếu là thơ cận thể các dạng ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn đã quen thuộc về hình thức, nhưng xen giữa các chủ đề truyền thống như ngôn chí (nói chí hướng), lạc đạo (vui với đạo) … là một số bài thơ thiệp cập đến chuyện thời sự như dịch bệnh Covid-19 và các tác động của nó đến sự bất ổn toàn cầu.
Đáng lưu ý là sáng tác từ chiếm gần một nửa dung lượng sách, rất đa dạng về từ điệu. Đây là một hiện tượng lạ ở Việt Nam xưa nay, bởi theo các nghiên cứu đã công bố, toàn bộ số lượng sáng tác từ thời Trung đại hiện chỉ còn trên 300 bài. Có lẽ các tác giả ngày nay không hẹn mà gặp, nhận thấy sự cởi mở trong các làn điệu từ truyền thống, câu dài ngắn xen lẫn, vần bằng trắc hoán chuyển mang tính nhạc; ngôn ngữ và đề tài của từ tìm đến sự gần gũi, bình dị nhưng không dung tục, đủ khả năng chuyển tải được tình cảm và hơi thở của thời đại. Một số ít tác phẩm theo thể loại hát nói, hoặc tự làm khúc mới bằng chữ Hán cũng là sự thử nghiệm và nằm trong phong khí sáng tác từ chung của giai đoạn này.
Kỳ thực, sự trở mình ở mảng văn học cổ điển vừa nêu vốn không xuất phát từ một cuộc vận động cụ thể hay sứ mệnh lớn lao nào kiểu “hưng diệt, kế tuyệt” (phục hưng cái đã mất, tiếp nối cái đã đứt). Nó xuất hiện lặng lẽ và kết nối lại với nhau từng bước theo một cách tự nhiên, tương tự như sự xuất hiện tư trào “cổ và cũ” (vintage), “hồi tưởng” (retro) trong các lĩnh vực thiết kế mỹ thuật (design) đương đại; cho thấy, các giá trị cổ luôn khẳng định tính thẩm mỹ bền vững của nó theo thời gian, và vẫn được ứng dụng hết sức đắc địa trong không gian hiện đại.
Mặc dù vậy, riêng lĩnh vực văn học vốn xa lạ đối với đa số bạn đọc ngày nay, tôi tạm dừng ở mức khái quát về hiện tượng như trên mà chưa đưa ra các đánh giá kỹ lưỡng hơn. Tôi nghĩ, thời gian sẽ còn tiếp tục làm dày thêm số lượng và chất lượng ở cả người viết và người đọc.
Nhân đây, tôi mạn phép thay mặt cho 12 tác giả, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể cán bộ Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (nhãn sách Văn sử tinh hoa) đã hằng tâm, hằng sản ủng hộ cho dự án sách Cổ vận tân phong. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến chỉ chính tận tâm của các bậc danh túc thạc học, bạn đọc gần xa về những điểm còn khiếm khuyết trong sách.
Hà Nội, mùa thu năm 2020
Hy Nhân – Nguyễn Quang Duy
Bạn đọc có thể đặt mua sách tại trang web của Tri Thức Trẻ; hiện có bản thường bìa mềm, bản đẹp bìa cứng và bản phỏng ván khắc cổ (chỉ có phần chữ Hán): Welcome – Tri Thức Trẻ Books (trithuctrebooks.com)
 
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top